Sốt xuất huyết ở trẻ là một trong những căn bệnh nguy hiểm. Thời gian gần đây, số ca nhiễm tăng cao bất thường khiến các mẹ vô cùng lo lắng. Trẻ bị sốt xuất huyết nếu không được điều trị và cấp cứu kịp thời sẽ để lại những hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe.
Thực trạng nhiễm sốt xuất huyết ở trẻ hiện nay
Những ngày vừa qua, số bệnh nhân bị sốt xuất huyết gia tăng đột biến, trong đó chủ yếu là trẻ nhỏ. Tại Hà Nội, mỗi ngày các bệnh viện Nhi tiếp nhận hàng trăm ca mắc mới, trong đó có nhiều trường hợp do không điều trị kịp thời đã biến chứng và dẫn đến tử vong. Theo thông tin mới nhất từ Bộ Y tế, tính từ đầu năm nay, cả nước đã có gần 26.000 trường hợp mắc sốt xuất huyết và 102 ca tử vong. Đây là con số vô cùng khủng khiếp, giấy lên lời cảnh báo sức khỏe cho cả cộng đồng. Để bảo vệ trẻ nhỏ và gia đình, cha mẹ cần phải tìm hiểu và nắm chắc các kiến thức về dịch bệnh này để có biện pháp phòng ngừa và điều trị.
Sốt xuất huyết là gì?
Sốt xuất huyết là căn bệnh tương đối phổ biến, thường gặp ở nhiều người, đặc biệt là người trong độ tuổi trung niên và trẻ nhỏ. Thông thường, sốt xuất huyết sẽ bùng phát mạnh nhất vào giai đoạn tháng 7 đến tháng 11 hàng năm. Đây là một căn bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus Dengue gây ra. Loại virus này sẽ lây truyền từ người sang người thông qua trung gian là con muỗi vằn. Chính vì vậy, trong một gia đình, nếu có một người bị đốt thì tỷ lệ những người còn lại bị mắc sốt xuất huyết là rất cao.
Hiện nay, virus Dengue có đến 4 chủng. Trẻ bị nhiễm chủng nào thì cơ thể chỉ có thể có khả năng miễn dịch với chủng đó. Chính vì vậy, kể cả khi trẻ đã từng mắc sốt xuất huyết rồi thì nguy cơ tái phát lại bệnh cũng rất cao.
Các giai đoạn của bệnh sốt xuất huyết
Giai đoạn sốt
Trong giai đoạn này, trẻ sẽ có hiện tượng trán nóng ran, sốt cao 39-40 độ trong khoảng 2-3 ngày đầu. Ngoài ra, trẻ còn có một số biểu hiện khác như sốt cao không thuyên giảm, chán ăn, mệt mỏi và bị xuất huyết dưới da, đặc biệt là ở phần da tay và da chân.
Giai đoạn đầu của sốt xuất huyết, trẻ sẽ sốt cao trong khoảng 2-3 ngày
Giai đoạn nguy hiểm
Ngày thứ 3 đến ngày thứ 7 được coi là giai đoạn nguy hiểm nhất mà trẻ phải đối mặt khi bị sốt xuất huyết. Hầu hết trong giai đoạn này, cha mẹ theo dõi có thể thấy trẻ đã hạ sốt. Tuy nhiên, trẻ sẽ bắt đầu có biểu hiện thoát huyết tương do tăng tính thấm thành mạch. Ngoài ra, có thể trẻ sẽ xuất hiện một số biểu hiện nghiêm trọng khác như: sưng đau gan, tràn dịch màng bụng, nề mi mắt.
Giai đoạn phục hồi
Khi được điều trị đúng cách và kịp thời, trẻ sẽ dần có những dấu hiệu phục hồi. Sức khỏe của trẻ có những cải thiện tương đối rõ rệt như: trẻ ăn nhiều hơn, bắt đầu đi tiểu lại được bình thường. Các cơn sốt cũng dứt hẳn.
Giai đoạn phục hồi, sức khỏe của trẻ sẽ được cải thiện rõ rệt
Cách phòng bệnh sốt xuất huyết cho trẻ
Sốt xuất huyết không phải là căn bệnh hiếm gặp nhưng lại cực kỳ nguy hiểm nếu không phát hiện và điều trị đúng cách. Hiện nay, sốt xuất huyết vẫn chưa có vắc-xin dự phòng. Để ngăn ngừa tình trạng này ở trẻ, cha mẹ có thể áp dụng một số biện pháp như:
- Thường xuyên vệ sinh các dụng cụ sinh hoạt, đặc biệt là những dụng cụ chứa nước để đảm bảo muỗi không vào đẻ trứng
- Vệ sinh nhà cửa, thu gom và tiêu hủy rác thải sinh hoạt, rác thải vệ sinh
- Có những biện pháp chống muối đốt như mắc màn, dùng kem chống muỗi, mặc quần áo dài tay khi đủ ngủ.
- Thực hiện các biện pháp phu hóa chất phòng chống dịch theo đúng định kỳ
- Khi bị sốt kèm theo một số biểu hiện như: vã nhiều mồ hôi, li bì, nôn nhiều, đi tiểu ít hay xuất huyết niêm mạch, cha mẹ cần đưa bé đến bác sỹ hoặc cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám và điều trị kịp thời.
Kết luận
Sốt xuất huyết ở trẻ em là nỗi lo của rất nhiều gia đình. Để bảo vệ sức khỏe của bé, cha mẹ cần trang bị đầy đủ các kiến thức về căn bệnh này để chủ động có những biện pháp phòng ngừa và điều trị đúng cách. Cha mẹ có thể theo dõi và cập nhật kiến thức về sức khỏe của bé tại đây.