Sốt phát ban và sốt xuất huyết đều có triệu chứng giống nhau là những cơn sốt cao. Chính vì vậy đã gây ra không ít khó khăn cho các mẹ khi phân biệt hai loại bệnh lý này. Để giúp các mẹ cách phân biệt sốt phát ban và sốt xuất huyết dễ dàng hơn, mời các mẹ cùng theo dõi bài viết dưới đây:
Tìm hiểu chung về bệnh sốt xuất huyết
Sốt xuất huyết là bệnh lý do virus Dengue gây ra, lây truyền qua vật trung gian là muỗi vằn. Muỗi sẽ hút máu người mắc bệnh rồi truyền sang cho người lành. Sốt xuất huyết diễn biến nhanh và dễ bùng phát thành dịch, đặc biệt là vào mùa mưa.
Sốt xuất huyết
Bệnh tiềm ẩn nhiều biến chứng nguy hiểm, thậm chí có nguy cơ tử vong và hiện nay vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu cũng vắc-xin ngừa sốt xuất huyết. Có khoảng 30% số ca mắc sốt xuất huyết sẽ trở nặng vào ngày thứ 3 – 7 sau khi khởi phát bệnh.
Chính vì vậy, bệnh nhân cần được phát hiện và chẩn đoán sớm để không nguy hiểm đến sức khỏe, đặc biệt với các bệnh nhi béo phì hoặc dưới 12 tháng tuổi.
Biểu hiện chủ yếu của sốt xuất huyết là sốt và xuất huyết, trong đó:
- Sốt: Sốt cao đột ngột từ 39 – 40 độ C, liên tục trong vòng 2 – 7 ngày. Sốt có thể sẽ không thuyên giảm khi sử dụng thuốc hạ sốt.
- Xuất huyết: Khi sốt bắt đầu giảm, bệnh nhân sẽ bắt đầu xuất hiện phát ban xuất huyết. Các nốt ban dạng chấm đỏ hoặc bầm máu ở da, đôi khi có xuất huyết ở các vùng niêm mạc như chảy máu chân răng, chảy máu cam, mắt đỏ, kèm theo đau bụng, nôn ói.
>> Xem thêm: Giải đáp: Bị sốt xuất huyết nên ăn gì để tăng tiểu cầu
Tìm hiểu chung về về bệnh sốt phát ban
Sốt phát ban là bệnh lý do nhiều loại virus gây ra (thường là virus sởi và rubella), đặc trưng bởi dấu hiệu sốt và nổi ban đỏ. Bệnh sốt phát ban thường gặp ở trẻ nhỏ, chủ yếu lây lan qua con đường hô hấp do tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết từ mũi họng của người bệnh khi ho hoặc hắt hơi.
Sau khoảng thời gian ủ bệnh (thường là khoảng 7 ngày), trẻ sẽ có một số biểu hiện đặc trưng sau đây:
Sốt phát ban
- Sốt: Những cơn sốt nhẹ hoặc sốt cao (từ 38 – 40 độ C) và thường theo từng đợt.
- Nổi ban đỏ: thường xuất hiện trong vòng 12 – 24 giờ sau sốt. Trẻ nổi ban hoặc ban hồng với mức độ tùy thuộc vào đặc điểm của virus gây bệnh cũng như thể trạng của từng trẻ. Một đặc điểm để phân biệt sốt phát ban với các loại sốt khác chính là nếu thực hiện căng da tại vùng nổi ban, các vết ban sẽ biến mất gần như ngay lập tức nếu.
- Một số biểu hiện khác: Chảy nước mũi, hắt hơi, mệt mỏi, uể oải, đỏ mắt, trẻ chán ăn, quấy khóc, rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy. Một số ít bệnh nhi còn có thể kèm theo triệu chứng đau họng, sưng hạch cổ.
Hầu hết các trẻ bị sốt phát ban đều giảm sốt dần và ăn uống được sau từ 4 ngày trở đi. Tuy vậy, vẫn cần chú ý theo dõi sức khỏe của trẻ bị sốt phát ban kỹ lưỡng để tránh những biến chứng như: Viêm phổi nặng, viêm tai giữa, viêm màng não, viêm loét giác mạc (nguy cơ gây mù vĩnh viễn), suy dinh dưỡng nặng hậu nhiễm sởi.
Đặc biệt càng cần chú ý khi trẻ có sức đề kháng kém, suy dinh dưỡng hoặc dưới 12 tháng tuổi, thể trạng suy nhược.
Phân biệt sốt phát ban và sốt xuất huyết
Phân biệt sốt xuất huyết và sốt phát ban
Cách phân biệt sốt phát ban và sốt xuất huyết đơn giản nhất chính là dùng ngón tay cái và ngón trỏ để căng vùng da tại nốt phát ban (vị trí nổi ban đỏ) hoặc căng vùng da bị xung huyết. Sau khi căng da, nếu chấm đỏ mất đi ngay thì đây là ban của sốt phát ban. Ngược lại, nếu vẫn thấy có chấm đỏ li ti không lặn sau khi căng da thì đó là phát ban do sốt xuất huyết.
Tuy nhiên, để có thể phân biệt phát ban và xuất huyết chính xác nhất, giải pháp tốt nhất cho các bậc phụ huynh chính là đưa bệnh nhi đến các cơ sở y tế để trực tiếp thăm khám, tư vấn và điều trị. Điều này sẽ đảm bảo trẻ được chẩn đoán đúng bệnh, điều trị chính xác nhất và mau chóng hồi phục sức khỏe.
Cách chăm sóc trẻ bị sốt phát ban và sốt xuất huyết hiệu quả
Khi đã biết cách phân biệt sốt xuất huyết và sốt phát ban, bố mẹ cần chăm sóc trẻ phù hợp với từng bệnh lý. Một số gợi ý về cách chăm sóc trẻ cho bố mẹ như sau:
Sốt xuất huyết
Khi nghi ngờ trẻ bị sốt xuất huyết, cha mẹ cần nhanh chóng đưa con tới bệnh viện để làm các xét nghiệm. Trẻ sốt cao trên 38.5 độ C được khuyến cáo dùng thuốc hạ sốt theo chỉ định của bác sĩ. Lưu ý là phụ huynh tuyệt đối không được tự ý truyền dịch tại nhà cho trẻ.
Cách chăm sóc cho trẻ bị sốt xuất huyết là:
Cách chăm sóc trẻ bị sốt xuất huyết
- Cho trẻ uống nhiều nước, tối thiểu 2 lít/ngày.
- Tuyệt đối tránh các loại nước có ga và nước trái cây sẫm màu như nước củ dền, dưa hấu,…
- Chườm khăn và kau người để hạ nhiệt, làm mát cơ thể.
- Nên ăn những món ăn loãng như cháo, súp để trẻ dễ tiêu hóa.
- Tránh sử dụng tùy tiện các loại thuốc hạ sốt.
- Không được tự tiện về nhà trong trường hợp có yêu cầu nằm viện của bác sĩ.
Sốt phát ban
Trong khi đó, đối với trẻ bị sốt phát ban, bố mẹ cần lưu ý:
- Theo dõi nhiệt độ thường xuyên.
- Chườm ấm cho trẻ không quá 10 phút/giờ.
- Nới lỏng quần áo để trẻ không cảm thấy khó chịu với các nốt phát ban.
- Không để trẻ đưa tay gãi lên da.
- Lau người cho trẻ để vệ sinh thân thể sạch sẽ, hạn chế tiết mồ hôi.
- Trẻ sốt từ 38.5 độ C nên dùng thuốc hạ sốt. Mẹ có thể cho bé dùng thuốc dạng viên uống hoặc đặt hậu môn.
- Tăng cường bổ sung nước lọc, nước canh, nước trái cây, nước gừng hoặc nước bù điện giải cho trẻ.
- Cách ly để tránh lây nhiễm cho các trẻ khác
>> Xem thêm: Sốt xuất huyết có được tắm không? Chăm sóc người mắc bệnh
Tổng kết
Bài viết trên đã hướng dẫn bố mẹ cách phân biệt sốt phát ban và sốt xuất huyết cũng như cách chăm sóc trẻ và những thông tin liên quan. Mong rằng bài viết sẽ hữu ích với các bậc phụ huynh trên hành trình nuôi con gian nan nhưng cũng không kém phần thiêng liêng!