Cơn miên hành là một hiện tượng phổ biến thường xảy ra ở trẻ từ 4 – 8 tuổi. Vậy thực chất cơn miên hành là gì và nguyên nhân, dấu hiệu cũng như điều trị tình trạng này thế nào? Cùng tìm hiểu tất cả trong bài viết dưới đây.
Thế nào là cơn miên hành ở trẻ?
Cơn miên hành là một dạng của chứng rối loạn giấc ngủ
Cơn miên hành ở trẻ thực chất là một dạng của chứng rối loạn giấc ngủ. Khi mức chứng này, trẻ thường sẽ có những hành động dường như có mục đích khi đột ngột tỉnh dậy từ trong giấc ngủ sâu, nhưng lại không có ý thức về nó sau khi tỉnh dậy.
Nguyên nhân gây ra cơn miên hành
Hiện nay vẫn chưa có nghiên cứu chính thức nào về nguyên nhân gây ra các cơn miên hành ở trẻ. Tuy nhiên nhiều người cho rằng tâm lý căng thẳng, lo âu hoặc những sang chấn về mặt tâm lý chính là nguồn cơn của chứng rối loạn giấc ngủ này.
Bên cạnh đó, việc bị đánh thức không đúng thời điểm trong chu kỳ giấc ngủ cũng tiềm ẩn nguy cơ gây ra chứng miên hành. Cần biết rằng, mỗi chu kỳ giấc ngủ ở trẻ chia thành 2 thành phần là giấc ngủ chậm (hay còn gọi là ngủ không động mắt) và giấc ngủ nhanh. Cả 2 giai đoạn này đều đóng vai trò quan trọng trong việc quyết định chất lượng giấc ngủ của trẻ. Nếu bị đánh thức trong giai đoạn ngủ nhanh trẻ sẽ rất dễ bị rơi vào tình trạng căng thẳng, thiếu minh mẫn và từ đó xuất hiện các cơn miên hành.
Dấu hiệu cơn miên hành khi ngủ của trẻ
Để nhận biết sớm cơn miên hành ở trẻ và có biện pháp điều trị kịp thời, bố mẹ nên theo dõi và quan sát các dấu hiệu của con. Nếu bé nhà bạn đang có các biểu hiện sau đây, rất có thể bé đã mắc chứng cơn miên hành:
- Trẻ ngồi dậy, đi lại, mặc quần áo,… khi đang ngủ.
- Trẻ mở mắt nhưng không có nhận thức về những gì đang diễn ra xung quanh.
- Mỗi cơn miễn hành thường diễn ra trong khoảng 30 phút.
- Thời điểm diễn ra cơn miên hành phổ biến là 1 – 2 giờ sau khi ngủ, tức là rơi vào khoảng giai đoạn 3 và 4 của một giấc ngủ chậm.
- Sau khi ngủ dậy trẻ không nhớ gì về những hành động đã làm trong lúc ngủ.
Trên đây là những dấu hiệu bố mẹ có thể dễ dàng nhận biết bằng mắt thường thông qua quan sát giấc ngủ của con. Tuy nhiên để xác định cơn miên hành ở trẻ chính xác hơn, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu các dấu hiệu do Hiệp hội Tâm thần Hoa Kỳ cung cấp.
Cách chẩn đoán cơn miên hành theo Hiệp hội Tâm thần Hoa Kỳ
Nhằm giúp gia đình và các bác sĩ chẩn đoán chính xác nhất chứng cơn miên hành ở trẻ, Hiệp hội Tâm thần học Hoa Kỳ DSM – IV đã đưa ra bộ quy tắc các dấu hiệu chẩn đoán chứng cơn miên hành ở trẻ như sau:
- Trong khoảng 1/3 thời gian đầu giấc ngủ, trẻ lặp đi lặp lại các hoạt động ngồi dậy từ giường, hoạt động, đi ra ngoài.
- Trong cơn miên hành, đầu óc trẻ trống rỗng, nét mặt buồn chán, không trả lời lời nói của người lớn. Nhưng trẻ có thể tỉnh dậy khi bị người lớn đánh thức mạnh.
- Sau khi thức giấc, trẻ quên những gì xảy ra trong cơn.
- Trong khoảng thời gian vài phút sau khi tỉnh dậy từ cơn miên hành, trẻ không có rối loạn tâm thần vận động hoặc hành vi.
Ngoài ra khi chẩn đoán cơn miên hành, chúng ta cũng cần lưu ý thêm một số biểu hiện liên quan khác như cơn hoảng loạn, nghiến răng, giật chân tay,…
Cách điều trị cơn miên hành ở trẻ
Theo khuyến cáo của các chuyên gia, bố mẹ nên thực hiện quy trình điều trị sau để giúp con “đẩy lùi” các cơn miên hành:
Khi trẻ bị cơn miên hành, nên vỗ về và dỗ dành trẻ
- Đầu tiên, hướng dẫn trẻ tập một số động tác thư giãn như: hít thở sâu, thả lỏng cơ thể, đếm nhẩm theo nhịp,…
- Hạn chế tối đa các nguy cơ có thể gây tổn thương cho trẻ trong cơn miên hành như cất bớt các vật sắc nhọn, không cho trẻ nằm giường cao, đóng cửa nhà và cửa sổ.
- Khi trẻ bị cơn miên hành, dỗ dành và vỗ về trẻ, sau đó nhẹ nhàng đặt trẻ trở lại giường.
- Ghi chép lại thời gian trẻ bắt đầu ngủ đến khi có cơn trong vòng 7 ngày liên tiếp để phán đoán quy luật trẻ phát tác.
- Khi đã nắm bắt được quy luật của trẻ, từ những đêm tiếp theo hãy đánh thức trẻ dậy trước thời điểm phát cơn khoảng 15 phút và cho trẻ đi ngủ tiếp sau đó 5 phút.
- Trong trường hợp phát hiện trẻ có vấn đề về mặt tâm lý, cần tham khảo tư vấn của các bác sĩ tâm lý để kịp thời can thiệp và điều trị cho trẻ.
Kết luận
Cơn miên hành thực chất là một loại rối loạn giấc ngủ. Thông qua các dấu hiệu nhận biết, bố mẹ nên phát hiện sớm và áp dụng các biện pháp điều trị cho con để tránh những ảnh hưởng lâu dài đối với giấc ngủ và sức khỏe của trẻ.