Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ có nguy cơ cao bị biến chứng do cúm. Triệu chứng cúm có thể nghiêm trọng hơn như sốt, ớn lạnh, run rẩy, nôn mửa. Cha mẹ cần lưu ý quan sát tình trạng của trẻ và áp dụng phương pháp điều trị hợp lý, an toàn.
Tìm hiểu về cảm cúm ở trẻ nhỏ
Cúm là tình trạng nhiễm trùng mũi, họng và phổi do virus cúm gây ra. Bệnh cúm có thể nguy hiểm thậm chí gây chết người đối với trẻ sơ sinh. Trẻ nhỏ đặc biệt là những trẻ dưới 2 tuổi có nguy cơ bị các biến chứng nghiêm trọng nếu bị cúm. Mỗi năm có khoảng 20.000 người, hầu hết là trẻ em dưới 5 tuổi, phải nhập viện vì các biến chứng của bệnh cúm như viêm phổi.
Bệnh cúm do virus cúm gây nhiễm trùng đường hô hấp trên. Bệnh thường xuất hiện vào mùa đông xuân và xảy ra hàng năm, các chủng virus cúm cũng thay đổi mỗi năm. Trẻ em là đối tượng dễ mắc phải bệnh cúm, khi mắc bệnh, trẻ thường bị lâu hơn so với người lớn. Dưới đây là các đường lây nhiễm bệnh cúm ở trẻ:
- Lây trực tiếp từ người sang người: Trẻ tiếp xúc trực tiếp với người bị cúm, thông qua giao tiếp, nói chuyện, bắt tay, ôm hôn, hoặc khi người bị cúm ho, hắt hơi sẽ lây truyền virus trực tiếp sang trẻ thông qua giọt bắn.
- Lây gián tiếp qua bề mặt đồ vật: Khi người bị cúm ho, hắt hơi sẽ làm phát tán virus trên bề mặt các đồ vật. Nếu trẻ tiếp xúc với đồ vật có chứa virus bằng tay và dùng tay đưa lên mắt, mũi, miệng sẽ bị lây nhiễm virus.
- Lây gián tiếp qua môi trường sống hàng ngày: Môi trường công cộng hoặc nhà trẻ, trường học có nhiều trẻ khác bị cúm, khi ho, hắt hơi, … sẽ phát tán vào không khí những giọt bắn, dịch có chứa virus.
Cảm cúm là tình trạng nhiễm trùng mũi, họng và phổi do virus cúm gây ra
Dấu hiệu trẻ bị cảm cúm
Các triệu chứng cúm ở trẻ sơ sinh và trẻ mới biết đi thường bao gồm:
- Sốt (tuy nhiên, trẻ có thể bị cúm mà không bị sốt)
- Ớn lạnh và cơ thể run rẩy
- Ho khan
- Đau họng
- Chảy nước mũi hoặc nghẹt mũi
- Mệt mỏi
- Kém ăn
- Đau tai hoặc cảm giác áp lực ở đầu hoặc mặt
- Đôi khi nôn mửa và tiêu chảy (điều này xảy ra ở trẻ em, nhưng không xảy ra ở người lớn)
Khi bị cảm cúm, trẻ sẽ có một số biểu hiện như mệt mỏi, kém ăn
Vì trẻ có thể không thể nói cho bạn biết điều gì gây đau đớn, nhưng cha mẹ cũng cần chú ý đến các biểu hiện bất thường của con. Nhìn chung trẻ có vẻ quấy khóc hơn, khó chịu hơn và ốm yếu hơn những cảnh báo có thể trẻ bị cảm lạnh. Trong một số trường hợp cụ thể, cha mẹ cần đưa trẻ tới bác sĩ ngay lập tức nếu em bé hoặc trẻ mới biết đi có bất kỳ triệu chứng cúm điển hình hoặc có bất kỳ triệu chứng nào sau đây:
- Sốt từ 38 độ C trở lên nếu con bạn dưới 3 tháng tuổi (sốt ở trẻ nhỏ này có thể là dấu hiệu của nhiễm trùng hoặc bệnh nghiêm trọng)
- Sốt cao hơn ít nhất 39.5 độ C nếu con bạn từ 3 đến 6 tháng tuổi
- Sốt cao trên 39.5 độ C nếu con bạn trên 6 tháng tuổi
- Sốt kéo dài hơn 24 giờ
- Ho không cải thiện sau một tuần
Cách điều trị cảm cúm cho trẻ mà mẹ cần biết
Theo Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), ngay cả những trẻ em thường rất khỏe mạnh cũng có thể bị bệnh cúm nguy hiểm. Khi trẻ bị cảm cúm, cha mẹ có thể giúp con thoải mái hơn và khỏi bệnh cúm với các biện pháp sau:
- Uống nước: Đảm bảo rằng trẻ được uống nhiều nước. Cho trẻ bú thường xuyên nếu trẻ đang bú mẹ và cho trẻ bú bình như bình thường nếu trẻ bú bình. Nếu trẻ đang ăn thức ăn đặc, hãy thử cho trẻ ăn những thanh trái cây đông lạnh và súp hoặc nước dùng.
- Nghỉ ngơi: Giữ trẻ ở nhà để trẻ được nghỉ ngơi nhiều.
- Giảm đau: Nếu trẻ có vẻ khó chịu, hãy hỏi bác sĩ xem bạn có thể cho trẻ uống thuốc giảm đau, chẳng hạn như acetaminophen dành cho trẻ em hoặc ibuprofen (nếu con bạn từ 6 tháng tuổi trở lên và không bị mất nước hoặc nôn mửa liên tục). (Không cho trẻ uống aspirin trừ khi được bác sĩ khuyên dùng. Aspirin có thể gây ra hội chứng Reye, một tình trạng hiếm gặp nhưng đe dọa tính mạng. Đồng thời, không cho trẻ hoặc trẻ mới biết đi dùng thuốc ho và cảm lạnh không kê đơn vì chúng có thể gây ra tác dụng phụ nghiêm trọng.)
- Giữ tay sạch sẽ. Rửa tay cho trẻ bằng xà phòng và nước ấm, đồng thời yêu cầu mọi người trong gia đình rửa tay thường xuyên. Sử dụng chất khử trùng tay có cồn khi không có xà phòng và nước.
- Khử trùng. Thường xuyên lau sạch các bề mặt phòng tắm, nhà bếp và đồ chơi bằng xà phòng và nước hoặc chất khử trùng gia dụng được EPA chấp thuận để diệt vi khuẩn và virus.
Khi bé bị cảm cúm, mẹ cần vệ sinh tay chân cho bé thường xuyên
Bên cạnh đó, để trẻ khỏe mạnh, phát triển tốt cần có một chế độ dinh dưỡng đảm bảo về số lượng và cân đối chất lượng. Nếu trẻ không được cung cấp các chất dinh dưỡng đầy đủ và cân đối sẽ dẫn đến những bệnh thừa hoặc thiếu chất dinh dưỡng ảnh hưởng không tốt đến sự phát triển toàn diện của trẻ cả về thể chất, tâm thần và vận động.
Trên đây là một số cách điều trị cảm cúm ở trẻ. Hy vọng với những chia sẻ trên của chúng tôi sẽ giúp cha mẹ có thêm những kinh nghiệm hữu ích trong quá trình chăm con. Ngoài ra, cha mẹ có thể cập nhật những kiến thức liên quan đến sức khỏe của bé tại đây.