Chứng giật mình ở trẻ nhỏ có thể bắt nguồn từ nguyên nhân sinh lý hoặc bệnh lý. Mẹ cần biết phân biệt giật mình “sinh lý” hay “bệnh lý” để có những biện pháp điều trị thích hợp cho con.
Chứng giật mình khi ngủ ở trẻ là gì?
Chứng giật mình khi ngủ (hay còn gọi là phản xạ Moro) là các phản ứng của cơ thể trẻ trước những thay đổi, kích thích đột ngột từ môi trường bên ngoài.
Chứng giật mình ở trẻ là những phản ứng của cơ thể trước thay đổi, kích thích từ môi trường bên ngoài
Nguyên nhân của tình trạng này có thể xuất phát từ 2 yếu tố:
- Nguyên nhân sinh lý: Do trẻ sơ sinh khi mới chào đời chưa kịp làm quen với môi trường bên ngoài bụng mẹ. Đây là nguyên nhân lành tính và thông thường trẻ sẽ tự hết sau khi trẻ lớn hơn.
- Nguyên nhân bệnh lý: Do một số bệnh lý nguy hiểm ở trẻ gây nên như: trào ngược dạ dày, thiếu canxi, tổn thương hệ thần kinh trung ương, viêm da… và đặc biệt là chứng rối loạn giấc ngủ.
Cách phân biệt trẻ giật mình sinh lý hay bệnh lý
Để điều trị “tận gốc” chứng giật mình ở trẻ, trước hết chúng ta cần phân biệt được lúc nào là trẻ giật mình sinh lý hay bệnh lý, từ đó có những giải pháp phù hợp đối với từng trường hợp.
Do phản ứng sinh lý
Ở những tháng đầu đời khi trẻ chưa quen với môi trường bên ngoài, phản xạ giật mình sẽ thường xuyên xảy ra khi trẻ gặp các kích thích như tiếng ồn lớn, ánh sáng đột ngột,…
Về thời gian, những phản xạ này sẽ xuất hiện ngay từ khi trẻ vừa chào đời và thông thường sẽ tự hết sau khi trẻ bước vào tuần thứ 6. Đây là lúc cơ cổ của trẻ đã khỏe hơn và đã có thể tự kiểm soát các phản xạ của cơ thể. Nếu trẻ đã được 4 – 6 tháng mà vẫn chưa hết giật mình, rất có thể đây không chỉ đơn thuần là giật mình sinh lý bình thường, bố mẹ lúc này nên bắt đầu cân nhắc đến các nguyên nhân khác.
Do mắc các loại bệnh lý
Nếu tình trạng giật mình ở trẻ vẫn tiếp tục kéo dài sau khoảng thời gian trên, nhất là khi tần suất diễn ra nhiều lần trong một ngày thì rất có thể nguyên nhân là xuất phát từ vấn đề bệnh lý. Bố mẹ nên theo dõi và quan sát trẻ chặt chẽ để phát hiện kịp thời các dấu hiệu của bệnh lý ở trẻ.
Một số bệnh lý như trào ngược dạ dày, thiếu canxi, rối loạn giấc ngủ gây giật mình ở trẻ
Một số bệnh lý có thể gây ra tình trạng giật mình và dấu hiệu nhận biết đi kèm của nó là:
- Trào ngược dạ dày: nôn trớ, khò khè trong lúc ngủ, hen phế quản, chậm ăn, giảm cân nặng,…
- Thiếu canxi: quấy khóc đêm, nôn trớ, đổ mồ hôi, còi xương, chậm mọc răng,…
- Tổn thương hệ thần kinh: ý thức mơ hồ, đau đầu, rối loạn về ngôn ngữ hoặc vận động,…
- Rối loạn giấc ngủ: khó ngủ, ngủ trằn trọc, không sâu giấc, quấy khóc, mệt mỏi,…
Hậu quả của chứng giật mình ở trẻ
Trẻ bị giật mình trong lúc ngủ, đặc biệt là khi tình trạng này kéo dài sẽ ảếh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của trẻ, cả về thể chất lẫn tinh thần. Một số hậu quả trẻ có thể phải đối mặt khi mắc chứng giật mình là:
- Giảm khẩu vị và cảm giác thèm ăn, lâu dần chuyển biến thành chứng biếng ăn và thiếu dinh dưỡng ở trẻ.
- Chậm phát triển chiều cao và cân nặng do bị giảm sút hormone tăng trưởng.
- Trí tuệ, khả năng tập trung và năng lực nhận thức giảm sút.
- Tinh thần căng thẳng, dễ cáu gắt, bực bội, không hòa đồng, lâu ngày có thể tác động xấu đến quá trình hình thành tính cách của trẻ.
- Tiềm ẩn nguy cơ gây ức chế hô hấp, huyết áp cao và thậm chí là đột tử.
Cách điều trị chứng giật mình ở trẻ
Dưới đây là một số phương pháp điều trị bố mẹ có thể áp dụng để giúp con yên giấc và giảm bớt tình trạng giật mình trong lúc ngủ.
Tạo môi trường ngủ thoải mái cho trẻ
Môi trường ngủ ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng giấc ngủ của trẻ nhỏ. Vì vậy, các mẹ nên cố gắng chọn cho con mình một không gian ngủ sạch sẽ, thoáng mát và thoải mái nhất có thể. Ngoài ra đừng quên kiểm tra nhiệt độ, độ ẩm và ánh sáng khi con ngủ vì những yếu tố đó sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến cảm nhận của trẻ khi ngủ.
Tạo thói quen ngủ khoa học
Để trẻ bớt giật mình và ngủ ngon hơn, bố mẹ nên tập cho con những thói quen ngủ khoa học tốt cho sức khỏe. Hãy giúp con phân biệt rõ ban ngày là thời gian để chơi và ban đêm là ngủ. Để làm được điều đó, nên hạn chế tối đa việc để trẻ ngủ ngày và khuyến khích các bé tham gia hoạt động, vui chơi vào ban ngày để đảm bảo không làm mất giấc ban đêm. Khi trẻ ngủ, đừng quên tắt hoặc giảm bớt đèn để trẻ nhận thức được đó là khoảng thời gian đi ngủ.
Thiết lập thời gian ngủ cố định
Một gợi ý nữa cho các mẹ là nên thiết lập cho trẻ ngủ vào đúng trong những khoảng thời gian nhất định trong ngày, ví dụ như 9 giờ tối đến 7 giờ sáng mỗi ngày. Trong những ngày đầu khi mới cho trẻ tập luyện, nếu cảm nhận được bé buồn ngủ trước giờ đi ngủ, hãy vỗ về, mát-xa hoặc hát ru, đọc truyện cho trẻ để con được thư giãn.
Kết luận
Để phân biệt giật mình sinh lý hay bệnh lý ở trẻ, bố mẹ có thể căn cứ vào thời gian kéo dài cũng như tần suất của các lần giật mình. Ngoài ra cũng cần theo dõi liên tục để kịp thời phát hiện các dấu hiệu bệnh lý của trẻ.